Việc sao chép nội dung từ trước đến nay vốn có thể thực hiện rất dễ dàng. Chỉ cần một vài thao tác kéo thả trên bàn phím (Ctrl + C và CTRL + V) thì bất cứ ai với kết nối Internet cũng có thể sở hữu được nội dung bất kỳ và biến nó thành của mình. Hành động này được coi là thiếu tôn trọng bản quyền và công sức của tác giả.
Mục lục
- Cách ngăn chặn hành động ăn cắp nội dung?
- Sử dụng Pubsubhubbub
- Thêm phần tiểu sử tác giả
- Sử dụng nhiều liên kết nội bộ
- Tự tạo hình ảnh độc đáo, gắn Watermark
- Gắn chặt nội dung với hình ảnh
- Câu chuyện/kinh nghiệm của chính bản thân
- Xưng “tôi” trong bài viết
- Đăng ký bản quyền
- Sử dụng Copyscape
- Dùng DMCA
- Thiết lập Google Alerts
- Kiểm tra Google Search Image
- Sử dụng Plagiarism Checking Tool
- Bạn nên làm gì khi các bài viết bị sao chép?
Cách ngăn chặn hành động ăn cắp nội dung?
Một nội dung chất lượng thường đòi hỏi nhiều công sức viết bài, chất xám, thời gian nghiên cứu và thậm chí cả tiền bạc. Bạn phải chi trả cho các dịch vụ như biên tập nội dung, soát lỗi, thuê người thiết kế đồ họa, chụp và chỉnh sửa ảnh… Chính vì thế mà một nội dung tuyệt vời thường vô cùng giá trị và đắt đỏ.
Trước khi đi vào liệt kê chi tiết các phương pháp để giúp bạn bảo vệ được nội dung của mình, tôi cũng xin được khẳng định một điều trước tiên. Đó là bạn không thể nào ngăn chặn được hành vi trộm nội dung hoàn toàn 100%.
Bởi việc sao chép nội dung quá dễ dàng, có những phương pháp mà tưởng chừng như có thể ngăn chặn được thì họ lại có những thủ thuật, hack nào đó để lọt qua. Một số phương pháp ngăn chặn khác thì lại gây ra những trải nghiệm xấu cho người dùng trong khi vô hiệu với những “tên trộm”. Chính vì thế nên tôi cũng muốn làm sáng tỏ một sự thật là cho dù bạn có cố gắng đến đâu thì cũng chỉ có thể làm giảm bớt các hành vi trộm nội dung chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn 100%.
Đi vào vấn đề chính trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho các bạn một danh sách các phương pháp nhằm chống lại các hành vi bất hợp pháp trên. Không phải cách nào cũng đơn giản, và bạn cũng không cần phải áp dụng hết tất cả. Có thể sử dụng một hoặc hai cách phù hợp nhất để mang lại những hiệu quả nổi bật làm tỉ lệ trộm cắp nội dung.
Sử dụng Pubsubhubbub
Đến đây chắc bạn đang phì cười với cái tên khó phát âm này, nhưng thực sự ngoài nhược điểm là cái tên ra thì đây lại là một công cụ khá hữu ích. Cách thức hoạt động rất đơn giản, nó giống như một phần mở rộng của RSS vậy, Pubsubhubbub (hay còn gọi là Google PuSH) sẽ thực hiện một tham chiếu nội dung và cập nhật thông báo giữa người đăng bài viết và các subcribers trên website đó ngay lập tức.
Mục đích của công cụ này không phải là để ngăn không cho ai đó copy được bài viết của bạn, mà là “tuyên bố” cho mọi độc giả đã follow website của bạn biết (và cả công cụ tìm kiếm nữa) rằng bạn là người đầu tiên post nội dung này và nó thuộc quyền sở hữu không ai khác chinh là bạn. Những người sử dụng WordPress platform cũng có thể cài đặt ứng dụng này một cách dễ dàng. Đối với những nền tảng blog khác, các bạn có thể vào đây để tích hợp http://code.google.com/p/pubsubhubbub/. Jeff Bullas Blog đã từng nhận xét rằng: “Khi sử dụng Pubsunhubbub, bạn đang thông báo cho nguồn tin cậy rằng bài viết của bạn là nguyên bản và bạn là người viết nó đầu tiên.” Công cụ này rất hữu ích cho các trang web tin tức hay công nghệ, vì mang tinh cạnh tranh cao hơn.
Thêm phần tiểu sử tác giả
Kể cả khi bạn viết bài cho các website khác – thì nó vẫn bao gồm phần thông tin tác giả ở Guest Blogging – vì thế hãy chuẩn bị trước một đoạn tóm tắt về bản thân một cách sơ lược nhưng thể hiện được cái tôi riêng biệt nhất. Một đoạn tiểu sử đạt tiêu chuẩn phải được đặt rel=author và liên kết với các hồ sơ cá nhân trên các phương tiện mạng xã hội khác. Lưu ý, liên kết tới các thông tin khác phải được ẩn dưới dạng anchor text chứ không nên để tách ra riêng biệt.
Sử dụng nhiều liên kết nội bộ
Nếu bạn đang làm theo các bước của một chiến lược SEO căn bản nhất, thì chắc chắn bạn đã làm qua cách này nhiều lần. Liên kết nội bộ là một trong những phương pháp tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm cho website của mình không chỉ để gia tăng thứ hạng, tăng cường sự liền mạch cho website và cải thiện tốc độ dò tìm nội dung của Googlebot nâng cao khả năng index, mà còn phần nào giảm tránh được các hành vi copy văn bản. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi một khi website có các liên kết nội bộ như một lời gợi ý cho người đọc thấy được quyền sở hữu của website, nó làm cho nội dung đó không phù hợp với bất cứ website nào khác.
Ví dụ, bạn có thể viết một dòng như thế này, có đặt anchor text trỏ đến một liên kết nội bộ trong cùng website: “Hãy tìm hiểu thêm về những phương pháp xây dựng liên kết hiệu quả trong một bài viết mà tôi đã chia sẻ cách đây vài tuần.”
Tự tạo hình ảnh độc đáo, gắn Watermark
Nếu bạn có thời gian cũng như năng khiếu thiết kế, bạn có thể tự tạo những bức hình minh họa riêng cho mình, có thể tự chụp, tự vẽ … Và chắc chắn nên chèn logo hoặc tên miền của website để ‘đóng dấu’ bản quyền cho tác phẩm của mình. Nếu người copy nội dung của bạn copy cả ảnh thì bạn cũng sẽ quảng bá được website rộng rãi hơn. Bạn cũng không cần thiết phải để Watermark ở chính giữa bức ảnh, người ta chỉ dùng watermark cho những bức hình được đem bán mà thôi.
Gắn chặt nội dung với hình ảnh
Điều này có nghĩa là gì? Những câu như “điều này được lý giải trong hình bên dưới”, “hãy nhìn vào những hình bên dưới” là cách dễ dàng nhất để bạn có thể tích hợp được nội dung với các hình ảnh trực quan, mang lại sự liền mạch, dễ hiểu với người đọc, và tạo được dấu ấn riêng với họ. Thực tế, rất nhiều những tên trộm nội dung chỉ chú tâm copy câu chữ và bỏ lại những hình ảnh. Phần lớn các nội dung bị copy qua RSS đều không có hình ảnh đi kèm. Mục đích của họ chỉ đơn giản là lấy được nhiều thông tin, tăng thứ hạng và lưu lượng truy cập tìm kiếm cũng như lợi nhuận từ quảng cáo. Chính vì thế, bạn nên tăng cường hình ảnh vào nội dung và đưa ra những câu gợi mở dẫn đên hình ảnh nữa. Nếu độc giả đọc một bài viết copy mà thấy lời dẫn nhưng không thấy ảnh, chắc chắn họ sẽ không tin tưởng bài viết đó là do website đó viết và họ sẽ tìm đọc đến bài viết đầy đủ hơn.
Câu chuyện/kinh nghiệm của chính bản thân
Nhiều kẻ copy cố thay đổi để biến nội dung của bạn thành nội dung của họ. Để ngăn chặn điều này, hãy xen kẽ trong bài viết những câu chuyện cá nhân, nói về website của bạn, về quá trình bạn làm việc…Neil Patel, CEO của QuickSprout cũng chia sẻ rằng, hầu hết các bài viết trên website của anh đều mang đậm dấu ấn cá nhân và phong cách riêng chứ không viết về những thứ chung chung. Anh muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình hơn là giáo điều:
Điều này về cơ bản là để chắc chắn rằng không ai có thể biến nội dung của bạn thành của họ, bởi không có website nào lại có trải nghiệm và số liệu giống y hệt website của bạn.
Xưng “tôi” trong bài viết
Sử dụng ngôi 1, xưng “tôi” và “của tôi” trong bài viết của bạn. Nó không chỉ mang đến sự gần gũi, đáng tin cậy cho người dùng mà còn rất hiệu quả trong việc làm “nản chí” những kẻ muốn “ăn trộm” nội dung bài viết. Như tôi đã nhắc trong ý bên trên, không ai có thể hiểu rõ những thông tin và số liệu bằng chính tác giả của bài viết. Tự nghiên cứu và thông kê số liệu tham khảo, đặc biệt là liên kết tới các bài viết nội bộ và các hồ sơ cá nhân trên các mạng xã hội là những cách hiệu quả nhất giúp bạn làm thất bại hành vi bất hợp pháp.
Đăng ký bản quyền
Nếu bạn viết nội dung, nó sẽ tự động được ấn định bản quyền. Nhưng nếu bạn muốn tiến một bước xa hơn và chắc chắn hơn nữa, bạn có thể điền vào mẫu đăng ký bản quyền tại địa phương để ấn định bản quyền cho các tác phẩm của mình, giống như đăng ký sở hữu trí tuệ. Mặc dù nó chỉ là http://www.copyright.gov/forms/formtxi.pdf trên hình thức nhưng cũng có thể “dọa” được rất nhiều kẻ yếu tim. Và đây là một mẫu đăng ký thông dụng bên Mỹ.
Sử dụng Copyscape
Bạn có thể sử dụng cách này hoặc không. Thực tế rất ít người sử dụng cách này trong website của mình, bởi vì tôi cảm thấy nó làm giảm đi cảm tình của người đọc. Nhưng nếu website của bạn thường xuyên bị copy nội dung thì đây là một cách có thể giúp bạn ‘dọa’ được vài kẻ trộm ‘yếu tim’.
Banner với nhiều kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ khác nhau của Copyscape với dòng nhắn: “Bản quyền được bảo vệ bởi Copyscape. Không được sao chép.”
Dùng DMCA
Thêm một dịch vụ ngăn chặn sao chép nội dung nữa đến từ DMCA.com. Họ đặc biệt tập trung vào việc loại bỏ các nội dung bị đánh cắp.
Bạn không cần phải trả tiền để trở thành thành viên của DCMA.com và sử dụng dịch vụ. Bạn hoàn toàn có thể đăng ký miễn phí hoặc nâng cấp lên thành viên để được ưu tiên.
Thiết lập Google Alerts
Bạn có thể yêu cầu Google gửi email khi họ phát hiện ra bất kỳ nội dung nào của bạn xuất hiện trên Internet. Công cụ này có tên là Google Alerts. Để có thể triển khai được tốt nội dung kỹ thuật này, bạn sẽ phải copy một dòng hoặc nhiều hơn từ bài viết mà bạn muốn kiểm tra và yêu cầu công cụ tìm kiếm nội dung đó.
Có thể bạn đang nghĩ, “Viết bài đã tốn nhiều công sức rồi, mà khi viết xong lại phải thực hiện nhiều công đoạn để bảo vệ nội dung nữa”. Tôi đồng ý. Một cách để giải quyết đó là chèm một dòng chữ độc đáo giống nhau trong tất cả các bài viết của bạn. Miễn chỉ là một dòng chữ – không phải là đoạn văn – bạn sẽ không bị phạt vì lỗi lặp nội dung khi đăng lên tất cả các bài viết của mình. Chỉ cần sử dụng dòng chữ này để cài đặt một cảnh báo duy nhất và tận hưởng thành quả.
Kiểm tra Google Search Image
Công cụ Google Search Image cho phép bạn tìm những hình ảnh tương tự với hình ảnh của bạn. Nếu có ai nó đã lấy trộm hình ảnh của bạn thì bạn có thể tìm ra được bằng cách sử dụng công cụ này.
Sử dụng Plagiarism Checking Tool
Có rất nhiều các dịch vụ trực tuyến cung cấp công cụ kiểm tra đạo văn để xem nội dung website của bạn đã bị trùng với website nào khác hay không. Dưới đây là một sô website tiêu biểu:
- Plagtracker.com
- Copyscape.com
- Dmca.com
- Plagiarismanalyzer.org
- Grammarly.com
- Plagium.com
- Checkforplagiarism.net
- Copygator.com
Trong phần trên, mình đã chia sẻ đến cho các bạn những cách phòng chống các hành vi sao chép nội dung. Trong phần còn lại của chủ đề, chúng tôi sẽ đề cập đến những điều bạn cần làm khi bị sao chép bài viết dưới đây.
Bạn nên làm gì khi các bài viết bị sao chép?
Nếu các nội dung hay tác phẩm sáng tạo của bạn bị người khác lấy cắp, bạn phải chuẩn bị tinh thần để ‘phản công’ đáp trả.
Nắm bắt được những nội dung căn bản về vi phạm bản quyền
Điều đầu tiên mà bạn cần phải chú ý tới đó là hiểu rõ những hình thức sao chép nội dung bị coi là vi phạm bản quyền. Trên thực tế, không phải trường hợp sao chép một mẩu nội dung nào cũng bị coi là bất hợp pháp. Hiển nhiên là như vậy. Ví dụ, tôi viết một bài viết trong đó có trích dẫn một câu nói của một người nổi tiếng nào đó. Nó không thể bị quy chụp là đạo văn. Đó là sự trích dẫn mang tính học thuật và chuyên nghiệp, luôn kèm theo các nguồn liệt kê bên dưới hoặc được liên kết qua các đường link đến văn bản gốc để tăng tính thuyết phục.
Nếu muốn hiểu rõ được từ a-z các hình thức vi phạm bản quyền, bạn phải trở thành một luật sư. Nếu không muốn trở thành luật sư bạn có thể trợ giúp. Hoặc, tham khảo các bài viết dưới đây:
- http://www.copyright.gov/circs/circ01.pdf
- http://moz.com/blog/whats-fair-about-fair-use-defending-a-copyright-infringement-claim
- http://www.plagiarismtoday.com/2005/10/06/copyright-infringement-plagiarism-and-fair-use/
Thu thập chứng cứ
Trong trường hợp bạn muốn vạch mặt hoặc tố cáo những bài viết sao chép, bạn phải cần đến chứng cứ để buộc tội. Trong trường hợp này, chứng cứ sẽ là những bức ảnh chụp màn hình. Hãy chụp lại màn hình tất cả mọi thứ từ tiêu đề, kết quả tìm kiếm, … Và nếu bạn có thêm các chứng cứ nào khác nữa, hãy thu thập nó lại để sử dụng khi cần thiết. Nó bao gồm những thứ như URL, ngày phát hiện, email cảnh báo của Google, vv. Bạn cũng có thể sử dụng Internet Achieve (Wayback Machine) để xác nhận sự xuất hiện của nội dung bị đánh cắp.
Liên hệ với người đã sao chép
Nếu có ai đó đăng lại nội dung của bạn và trích dẫn tên bạn như tác giả của bài viết thì về mặt lý thuyết, hành động đó không được coi là đạo văn. Tuy nhiên, vì bạn là người đã viết bài đó nên bạn có thể yêu cầu người đã đăng lại bài gỡ bỏ bài viết đó xuống. Để có thể nói chuyện với cá nhân người lấy bài, bạn có thể tìm dịch vụ có tên là Whois.com hoặc whois.net. Bạn sẽ tìm thấy được một số hình thức liên hệ với chủ sở hữu trang web.
Nộp đơn khiếu nại DMCA cho Google
Bạn có thể nộp đơn khiếu nại DMCA cho Google bằng cách sử dụng bản điền thông tin khiếu nại trực tuyến của họ. Google tuyên bố rằng, “Đây là chính sách mà chúng tôi dùng để đáp ứng các thông báo vi phạm theo Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số.” Google có thể trừng phạt các trang web này, bằng cách không cho phép index, gỡ ra khỏi bảng xếp hạng tìm kiếm và thông báo cho họ về hành động đó.
Thông báo cho công ty Hosting
Khi phát hiện ra bị sao chép nội dung thì hãy liên hệ với dịch vụ hosting của website copy bài bạn và bá với họ rằng khách hàng của họ đang vị phạm bản quyền.
Đối với một số công ty Hosting thì việc khách hàng vi phạm bản quyền về nội dụng sẽ rơi vào trường hợp “sai phạm của khách hàng”. Điều đó đồng nghĩa với việc là người sao chép nội dung đã vi phạm điều khoản mà công ty này đã đưa ra trước đó. Và mọi công ty hosting đều có biện pháp để “trừng trị” các hành vi vi phạm này. Bạn có thể nhờ tới sự trợ giúp đó nếu trường hợp vi phạm từ nghiêm trọng cho đến cực kỳ nghiêm trọng.
Gửi một đơn đề nghị hợp lệ
Buộc dừng hoạt động do vi phạm Bản quyền”
Nếu bạn vẫn muốn truy tìm ra kẻ đã sao chép nội dung của bạn, và họ thực sự đã vị phạm bản quyền, bạn có thể gửi một lá thư khiếu nại “Dừng hoạt động” tới họ. Về căn bản, đây giống như một thông báo hợp pháp để cảnh cáo rằng bạn hoàn toàn có quyền buộc họ phải gỡ bỏ nội dung đó xuống. Bạn có thể tìm thấy các mẫu trực tuyến cho kiểu đơn “Cease and Desist” này.
Cứ mặc kệ
Thực tế, những tình huống bực mình nhất là khi ai đó ăn cắp nội dung của bạn nhưng lại xếp hạng ở vị trí cao hơn. Mặc dù tình huống đó ít khi xảy ra nhưng không phải là không có. Hơn nữa, việc có quá nhiều nội dung giống nhau trên cùng một kết quả tìm kiếm sẽ làm giảm lượng traffic tới một website có chứa nội dung gốc, mà đáng lẽ ra nó xứng đáng được nhận nhiều hơn thế.
Nhưng nếu bình tĩnh lại và suy nghĩ sâu xa hơn, thì liệu sai phạm bản quyền này có thực sự làm ảnh hưởng đến bạn hay không, hay nó lại đang giúp bạn ở một khía cạnh nào đó? Chắc chắn hành vi đó là một hoạt động bất hợp pháp đang chống lại bạn. Nhưng liệu còn có cơ hội nào để nó có thể mang lại lợi ích cho bạn hay không?
Nếu trong bài viết của người đã sao chép có nhiều referal link (liên kết giới thiệu) hơn liên kết mà bạn đã nhận được từ lưu lượng traffic thì tôi nghĩ tốt hơn hết là bạn không nên làm gì cả, cứ để nó ở đó. Bởi nếu trang web của người sao chép được xếp hạng cao hơn đáng kể so với website của riêng bạn, backlink có thể sẽ cải thiện được PageRank cho website.
Trong trường hợp trên, bạn có thể không cần phải làm gì. Nếu họ mang đến nhiều traffic cho bạn thông qua backlink thì đó lại là một điều tốt. Trong phần 1 về Đối phó với nạn sao chép nội dung, tôi có nhắc đến một phương pháp đó là sử dụng nhiều liên kết nội bộ cho bài viết. Trong trường hợp người sao chép bài giữ lại nội dung đó nguyên vẹn, thì bạn sẽ nhận được một số backlinks từ một trang web có độ uy tín cao hơn. Hãy kiểm tra lại lưu lượng truy cập giới thiệu của bạn trong Google Analytics và xem lưu lượng đó đến từ đâu, giá trị của nó như thế nào.
Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu họ cung cấp cho bạn một vài lợi ích chính đáng khác. Nếu một website đăng lại nội dung của bạn và đem lại cho website bạn một số liên kết thì tốt hơn hết bạn không nên yêu cầu gỡ bỏ bài viết đó xuống. Thay vào đó, hãy yêu cầu họ cung cấp cho bạn một thẻ, ví dụ như tag về tiểu sử tác giả với liên kết trỏ về, Google Authorship, vv.
Chuyên gia WordPress, ông Mickey Mellen, cũng chia sẻ một lời khuyên rằng: “Đừng ngăn cản những ai đang sao chép bài viết của bạn!”. Theo ý kiến của ông, “hành động cố gắng bảo vệ nội dung trong một số trường hợp không cần thiết thậm chí còn làm cho website của bạn tồi tệ hơn”. Ông cũng đề cập thêm trong bài viết của mình rằng: “Những hành động cố bảo vệ nội dung càng làm cho độc giả cảm thấy phiền phức và khó chịu.”
Kết luận
HoangGH cũng đồng tình với ý kiến đó của Mellen. Nếu bạn cứ cố quấy rầy các độc giả trung thành của bạn chỉ để cố gắng ngăn chặn một hoặc hai bài viết bị sao chép thì bạn đang tốn thời gian vào những việc làm không mang lại lợi ích gì. Chỉ cần làm theo những gì mà tôi đã đề cập trong phần 1 như việc tạo ra một nội dung nhất quán, có giá trị, kể về những câu chuyện của riêng bạn thì việc sao chép nội dung sẽ không thể nào làm suy giảm được vị thế của website trên kết quả tìm kiếm cũng như trong mắt độc giả.