Đối tượng mục tiêu (Target Audience) là khái niệm mô tả những người dùng hay khách hàng tiềm năng mà một thương hiệu muốn nhắm tới (tiếp cận) với mục tiêu cuối cùng là bán hàng hoặc có tác động đến quá trình ra quyết định mua hàng. Một chiến lược Marketing thành công trước tiên phải nhắm tới những ai thực sự có nhu cầu hoặc có ảnh hưởng.
Mục lục
Theo một báo cáo của Zendesk, có đến 68% người tiêu dùng mong đợi mọi trải nghiệm đều được cá nhân hóa. Để có thể làm được điều này, hiểu rõ khách hàng hay đối tượng mục tiêu của mình là ai theo đó là nền tảng của mọi chiến dịch.
Nếu bạn là người làm Marketing và cũng đang tìm cách xây dựng các chiến lược marketing hay chiến dịch quảng cáo có thể tiếp cận đúng những ai thực sự có nhu cầu hoặc sức ảnh hưởng, bên dưới là những gì bạn có thể tham khảo.
Đối tượng mục tiêu (Target Audience)?
Đối tượng mục tiêu thường được định nghĩa là một nhóm người cụ thể (với các đặc điểm về nhân khẩu học và hành vi cụ thể) có nhiều khả năng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Đối tượng mục tiêu là nền tảng của mọi quyết định marketing, từ phương thức tiếp cận đến thông điệp truyền thông và hơn thế nữa.
Đối tượng mục tiêu đề cập đến nhóm người tiêu dùng có nhiều khả năng quan tâm nhất đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và ai sẽ là trọng tâm của chiến dịch Marketing của bạn.
Mặc dù thương hiệu có thể xác định đối tượng mục tiêu của mình theo nhiều cách, nhưng quá trình này sẽ vô cùng khó khăn nếu marketer không có đủ dữ liệu để xác định và phân loại. Theo khảo sát của HubSpot, 82% marketer cho biết dữ liệu khách hàng chất lượng cao là điều quan trọng để họ có thể đạt được thành công trong vai trò của mình.
Về tổng thể, có 3 loại dữ liệu khách hàng quan trọng mà tất cả các marketer (Digital Marketer) cần phải thu thập đó là: nhân khẩu học, hành vi khách hàng và động cơ của người tiêu dùng.
Dữ liệu về nhân khẩu
Tập dữ liệu đầu tiên này tập trung vào các thông tin nhân khẩu học của khách hàng như:
- Tuổi
- Giới tính
- Nghề nghiệp
- Lối sống và sở thích
Dữ liệu này có thể đặc biệt hữu ích khi đưa ra những giả định ngầm về khách hàng của bạn. Ví dụ: nếu doanh nghiệp của bạn chủ yếu bán hàng cho phụ nữ thế hệ trẻ, thì các ưu tiên như tính bền vững của doanh nghiệp thường phù hợp hơn với nhóm nhân khẩu học đó.
Thông tin cá nhân của khách hàng có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị khi xây dựng và thực hiện kế hoạch Marketing của bạn. Tuy nhiên, nhiều marketer phải rất để thu thập nó. Theo HubSpot, 42% marketer biết thông tin nhân khẩu học của khách hàng mục tiêu nhưng chưa đến một nửa biết sở thích và ưu tiên của họ.
Dữ liệu về hành vi khách hàng (Customer Behaviour)
Phân tích hành vi của khách hàng là một phương pháp khác để xác định đối tượng mục tiêu của thương hiệu hay doanh nghiệp. Không giống như thông tin về sở thích và lối sống, danh mục dữ liệu này tập trung vào các hành vi liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Ví dụ về hành vi của khách hàng bao gồm:
- Lịch sử và tần suất mua hàng.
- Tỷ lệ mở email qua email marketing.
- Thói quen tương tác trên website.
Bằng cách kiểm tra những hành vi này, bạn có thể có được những hiểu biết sâu sắc (Insights) vô giá về đối tượng mục tiêu của mình và tìm hiểu cách thu hút họ tốt nhất thông qua các hình thức như quảng cáo trực tuyến hay content marketing.
Dữ liệu về động lực mua hàng của người tiêu dùng
Cách tiếp cận cuối cùng để xác định đối tượng mục tiêu của bạn là tập trung vào động cơ chính của người tiêu dùng, thường đòi hỏi người làm marketing cần phải hỏi “Họ đang tìm kiếm điều gì?”
Khi nói đến sản phẩm, người tiêu dùng thường tìm kiếm:
- Sự tiện lợi
- Giá trị
- Địa vị
Một trong những cách tốt nhất để xác định động cơ của khách hàng là tiến hành nghiên cứu thị trường bằng cách sử dụng các cuộc khảo sát và nhóm tập trung. Thông tin bạn thu thập có thể giúp bạn phân nhóm người tiêu dùng và hiểu động cơ mua hàng của họ.
Những lợi ích của việc xác định đúng đối tượng mục tiêu
Như bạn có thể thấy, hiểu đối tượng mục tiêu của bạn là nền tảng của các chiến lược marketing thành công. Dưới đây là những lợi ích hàng đầu của việc xác định đúng khách hàng của bạn là ai và họ cần gì.McDonald’s
Phân khúc
Phân khúc khách hàng hay phân khúc thị trường là giai đoạn rất quan trọng đối với các bản kế hoạch hay chiến lược marketing của thương hiệu. Nó đòi hỏi phải sắp xếp những người tiêu dùng có nhu cầu và sở thích tương tự thành các nhóm được gọi là “phân khúc” (Segment), và quá trình này được gọi là Segmentation.
Theo một giáo sư Marketing từ Harvard, mặc dù bạn có thể thử và tiếp thị sản phẩm cho tất cả mọi người, nhưng người tiêu dùng có những nhu cầu và sở thích khác nhau. Điều hấp dẫn một nhóm người tiêu dùng này có thể không hấp dẫn một nhóm người tiêu dùng khác.
Để ví dụ cho điều này, hãy xem chiến lược phân khúc khách hàng của Nike, 40% trong số khách hàng của Nike là nữ. Để phục vụ nhóm khách hàng này, Nike triển khai thông điệp xoay quanh các vận động viên nữ, đa dạng về sắc tộc và sức khỏe toàn diện trong quảng cáo của mình.
Ngoài việc giúp đảm bảo cá nhân hóa khách hàng, việc phân khúc còn mang lại những lợi ích về tài chính và có thể tăng doanh thu lên tới 760%.
Khả năng thích ứng
Việc xác định đối tượng mục tiêu của thương hiệu không chỉ cung cấp thông tin cho các ý tưởng hay chiến lược marketing hiện tại; nó cũng giúp thương hiệu thích ứng tốt hơn với những thay đổi mà khách hàng có thể gặp phải.
Ví dụ: nếu hầu hết người tiêu dùng của thương hiệu không nhạy cảm về giá thì hoạt động truyền thông của bạn không cần phải tập trung vào việc đề xuất giá trị.
Lấy ví dụ về khả năng thích ứng của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s trước sự nhạy cảm về giá ngày càng tăng trong các bối cảnh khi nền kinh tế suy thoái.
Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, McDonald’s đã sửa đổi chiến lược Marketing của mình để làm nổi bật giá trị và khả năng chi trả của các sản phẩm mà họ cung cấp.
McDonald’s cũng tích cực quảng cáo và giới thiệu các bữa ăn giá trị cũng như khuyến mãi thông qua các nền tảng trực tuyến mà đối tượng mục tiêu của thương hiệu thường sử dụng.
Bằng cách hiểu đối tượng mục tiêu của mình, bạn có thể sửa đổi chiến lược marketing của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ.
Đảm bảo ROI
Về cơ bản, sẽ là không có vấn đề gì nếu doanh nghiệp vẫn “ăn nên làm ra” hay tăng trưởng tốt, tuy nhiên với các doanh nghiệp mới, công ty khởi nghiệp hay thậm chí là các doanh nghiệp lớn nhưng đang đối mặt với suy thoái kinh tế, “có lợi nhuận” là ưu tiên trên hết.
Để có thể đảo bảo được điều này, rõ ràng là bạn không thể hiển thị quảng cáo hay đầu tư ngân sách dàn trải vào tất cả các kênh mà bạn cho rằng là có tiềm năng. Tập trung chính là chìa khoá của bạn khi này và xác định đúng những ai bạn cần tiếp cận và thuyết phục chính là nền tảng.
Giữ vững mối quan hệ với người tiêu dùng
Mối quan hệ chặt chẽ với người tiêu dùng là vô cùng quan trọng đối với sự thành công của một doanh nghiệp. Theo báo cáo của McKinsey, truyền miệng là yếu tố chính ảnh hưởng tới 20 đến 50% mọi quyết định mua hàng.
Điều này cũng giải thích tại sao Influencer Marketing ngày càng được xem là kênh marketing chiến lược của nhiều doanh nghiệp, những người có ảnh hưởng có lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội đã và đang có quyền tác động đến ý định mua hàng (Buying Intent) của những người theo dõi họ.
Một số nghiên cứu khác cho thấy 82% mọi người có nhiều khả năng hành động theo đề xuất của người có ảnh hưởng (Influencer) và 92% người tiêu dùng tin tưởng đề xuất của những người họ theo dõi trên mạng xã hội hơn là tin tưởng vào các thông điệp mang tính thương mại từ thương hiệu.
Kết luận
Việc chọn đúng đối tượng mục tiêu như bạn thấy có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho chiến lược Marketing của doanh nghiệp. Để đảm bảo rằng bạn được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để tiếp cận những khách hàng thực sự có nhu cầu, việc liên tục phát triển và trau dồi các kỹ năng mới là vô cùng quan trọng.
Đừng quên theo dõi HoangGH thường xuyên để cập nhật thêm nhiều tin tức thú vị về Marketing nhé.