Golden Gate là thương hiệu F&B danh tiếng tại Việt Nam, đứng sau sự thành công của rất nhiều chuỗi nhà hàng lớn như Kichi Kichi, Lẩu nướng Gogi, Sumo BBQ, iSushi,..
Tính từ năm 2017 đến nay, thương hiệu này vẫn luôn giữ được vị trí dẫn đầu trong danh sách các đơn vị F&B lớn nhất tại Việt Nam với mức tăng trưởng cao, vượt mặt nhiều tên tuổi lớn. Để làm được điều này, chiến lược marketing của Golden Gate là yếu tố không thể không nhắc đến. Cụ thể, Chiến lược marketing của Golden Gate có những gì? Hãy cùng HoangGH khám phá bí kíp làm nên thành công của thương hiệu này nhé!
Mục lục
Giới thiệu về thương hiệu Golden Gate
Golden Gate (Công ty Cổ phần Thương Mại Dịch Vụ Cổng Vàng) là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam vào năm 2005. Những phong cách ẩm thực chính mà Golden Gate đang hướng đến bao gồm lẩu, nướng, món Âu, món Á và cà phê.
Tính đến hiện tại, Golden Gate sở hữu khoảng hơn 20 thương hiệu, gần 400 nhà hàng, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm trên khắp 40 tỉnh thành tại Việt Nam.
Do đó, khi tìm hiểu Golden Gate gồm những thương hiệu nào, bạn sẽ có thể tìm ra hàng loạt những cái tên quen thuộc vẫn bắt gặp trong đời sống hàng ngày.
Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu thuộc sở hữu của Golden Gate, gồm:
- Lẩu băng chuyền Kichi Kichi
- Nhà hàng các món Nhật Bản gồm iSushi, Daruma, Icook
- Món nướng như Gogi House, Sumo BBQ
- Đồ ăn nhanh Pizza Cowboy Jack’s
- Nhà hàng bia City Beer Station, Vuvuzela,…
Phân tích tổng quan về thị trường F&B tại Việt Nam
Tổng quan thị trường F&B Việt Nam
Với hơn 98 triệu dân, Việt Nam có một thị trường F&B (Food and Beverage) được nhận định là “ẩn giấu” nhiều tiềm năng và có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đã tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về thực phẩm và đồ uống. Cùng với đó, người tiêu dùng ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cường việc ăn uống ngoài nhà và thưởng thức các món ăn đa dạng.
Các nhà hàng, quán ăn, quán cafe đã trở thành lựa chọn phổ biến cho người dân khi muốn tiêu dùng ngoài nhà. Hơn nữa, nhu cầu về dịch vụ ăn uống của khách du lịch đến Việt Nam cũng tăng lên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp F&B phục vụ du khách.
Có thể nói, Golden Gate nắm giữ vị thế dẫn đầu bởi khả năng nắm bắt cơ hội và thích ứng tốt với nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Khách hàng mục tiêu của Golden Gate
Khách hàng mục tiêu của Golden Gate bao gồm:
- Khách du lịch: Golden Gate hướng đến khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam. Thương hiệu cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và chất lượng, giúp họ khám phá văn hóa ẩm thực đa dạng của Việt Nam.
- Khách hàng địa phương: Golden Gate cũng nhắm đến khách hàng địa phương, bao gồm cư dân và người lao động tại các khu vực xung quanh nhà hàng và quán ăn thuộc thương hiệu này. Từ đó, khách hàng địa phương sẽ có những lựa chọn đa dạng về ẩm thực, từ bữa ăn truyền thống đến các món ăn hiện đại.
- Gia đình: đáp ứng nhu cầu ẩm thực của các gia đình, cung cấp những món ăn phong phú và đa dạng phù hợp với mọi thành viên trong gia đình.
- Khách hàng công sở: Golden Gate hướng đến khách hàng công sở, cung cấp cho họ những bữa trưa nhanh chóng và tiện lợi với chất lượng đảm bảo.
- Khách hàng yêu thích ẩm thực: Golden Gate thu hút những khách hàng trẻ yêu thích ẩm thực và muốn khám phá những món ăn mới. Thương hiệu mang đến cho họ những trải nghiệm ẩm thực phong phú và độc đáo.
Mỗi phong cách ẩm thực khác nhau sẽ hướng đến những đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể cho từng thương hiệu nhà hàng. Khi đã xác định rõ khách hàng mục tiêu, Golden Gate sẽ đưa ra thông điệp truyền thông tiếp cận khách hàng, trang trí không gian nhà hàng, xây dựng thực đơn với giá thành phù hợp.
Ví dụ:
- Lẩu băng chuyền Kichi Kichi hướng đến tập khách hàng là người trẻ thích khám phá ẩm thực, nhân viên văn phòng.
- Gogi hướng tới mục tiêu khách hàng là gia đình, người trẻ, và nhân viên văn phòng
- Ashima, mục tiêu khách hàng của Golden Gate lại là những người thuộc tầng lớp trung, thượng lưu…
- Nhà hàng Manwah hướng đến những khách hàng gia đình với concept và thông điệp về “Thưởng Lẩu Sum Vầy”, “Cảm giác gia đình”.
Đối thủ cạnh tranh của Golden Gate
Đối thủ lớn nhất thường được nhắc đến của Golden Gate là Redsun. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2008, và là đơn vị sở hữu những thương hiệu nhà hàng nổi tiếng như ThaiExpress, Seoul Garden, King BBQ, Hotpot Story, Sushi Kei,…
Sự cạnh tranh của cả 2 được nhận định trên nhiều mặt, bao hàm cả về chiến lược kinh doanh và tiếp thị. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, Golden Gate đã có cho mình chuỗi hệ thống lên tới 227 nhà hàng, trong khi đó Redsun cũng không hề kém cạnh.
Với số lượng trên 140 nhà hàng, Redsun phủ rộng trên mọi khu vực, tập trung nhiều ở các con phố sầm uất, các trung tâm thương mại lớn, so kè trực tiếp với Golden Gate về mức độ hiển thị.
Và cũng giống như Golden Gate, Redsun sẵn sàng loại bỏ những cái tên hoạt động kém hiệu quả trong chuỗi các nhà hàng của mình để tập trung mạnh hơn vào các thương hiệu “ăn nên làm ra”.
Song song với đó, các chiến lược tiếp thị của Redsun cũng luôn được đổi mới theo từng mùa lễ Tết, bám đuổi các chiến lược marketing của Golden Gate để trực tiếp cạnh tranh về mặt doanh thu, số lượng nhà hàng mở mới.
Ma trận SWOT của Golden Gate
Năm 2022, tình hình kinh doanh của Golden Gate có sự khởi sắc khi đạt doanh thu gần 7.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2021 và doanh thu thuần năm 2023 đạt gần 6.300 tỷ đồng.
Điểm mạnh
Với 3 giá trị cốt lõi của Golden Gate gồm chính trực – nhân văn – hiệu suất cao, chuỗi nhà hàng của Golden Gate luôn nhận được sự tin tưởng và yêu thích từ phía khách hàng.
- Uy tín thương hiệu mạnh: Golden Gate đã khẳng định vị thế là một thương hiệu dẫn đầu trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam trong nhiều năm liền, được biết đến với sự đa dạng và chất lượng về sản phẩm.
- Mạng lưới rộng khắp: Thương hiệu có mạng lưới khoảng 400 nhà hàng với 22 thương hiệu trải dài khắp Việt Nam, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
- Thực đơn sáng tạo: Golden Gate liên tục đổi mới các lựa chọn trong thực đơn, sáng tạo, đáp ứng thị hiếu và sở thích ngày càng đa dạng của khách hàng.
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng: Nhân viên được đào tạo kỹ năng và quy trình phục vụ bài bản, chuyên nghiệp cùng hệ thống tích điểm giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Nhờ đó, thương hiệu này sở hữu lượng lớn khách hàng trung thành và ổn định.
Điểm yếu
- Phụ thuộc vào thị trường địa phương: Golden Gate chủ yếu hoạt động tại Việt Nam, điều này khiến công ty dễ bị tổn thương trước mọi biến động hoặc bất ổn tại thị trường địa phương.
- Nhận diện quốc tế còn hạn chế: Thương hiệu có sự hiện diện hạn chế bên ngoài Việt Nam, điều này có thể hạn chế cơ hội phát triển của thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
- Mặt bằng kinh doanh không ổn định: Đa số nhà hàng của Golden Gate đều là mặt bằng đi thuê lại, không cố định và tiêu tốn chi phí lớn.
Cơ hội
- Mở rộng thị trường: Thương hiệu lâu đời trên thị trường Việt Nam, Golden Gate nhận được sự tin tưởng cao từ khách hàng. Do đó, thương hiệu này có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động sang các thành phố hoặc khu vực mới ở Việt Nam, cũng như xem xét mở rộng ra thị trường quốc tế.
- Đa dạng hóa: Thương hiệu có thể đa dạng hóa dịch vụ bằng cách giới thiệu các món ăn, sáng tạo ý tưởng mới nhằm thu hút nhiều đối tượng khách hàng hơn.
- Dịch vụ giao hàng trực tuyến: Với xu hướng giao đồ ăn trực tuyến ngày càng phát triển, Golden Gate có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao phạm vi tiếp cận và sự thuận tiện cho khách hàng.
Thách thức
- Cạnh tranh gay gắt: Ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam có tính cạnh tranh cao, với sự góp mặt của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Golden Gate cần liên tục đổi mới và tạo sự khác biệt để dẫn đầu.
- Yếu tố kinh tế: Những biến động kinh tế hoặc những thay đổi trong mô hình chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Golden Gate.
- Người tiêu dùng thay đổi thói quen và sở thích: Người tiêu dùng hiện tại có xu hướng lựa chọn thực phẩm lành mạnh, ưu tiên thực phẩm sạch, an toàn. Điều này có thể gây ra mối đe dọa cho thương hiệu nếu vướng phải các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.
- Dịch vụ đặt hàng ăn trực tuyến phổ biến hơn: Sự tiện lợi và giá thành rẻ của việc đặt đồ ăn trực tuyến có thể gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các cơ sở nhà hàng phục vụ tại chỗ nói chung.
Chiến lược marketing của Golden Gate
Chiến lược sản phẩm của Golden Gate
Golden Gate định vị tất cả những món ăn từ Á đến Âu, truyền thống và hiện đại đều được chế biến theo công thức mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Thương hiệu cũng đầu tư về mặt hình thức bày trí của các món ăn luôn đẹp mắt, để lại ấn tượng trong lòng khách hàng.
Bên cạnh đó, Golden Gate không ngừng nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm hợp thị hiếu, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo.
Ngoài ra, thương hiệu này cũng tận dụng những giá trị truyền thống và văn hóa ẩm thực Việt Nam, kết hợp với các yếu tố hiện đại và xu hướng quốc tế để sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo và mới lạ.
Đặc biệt, thời điểm dịch Covid bùng phát, khi mọi hoạt động đời sống và kinh doanh đều bị ảnh hưởng, lượt khách trực tiếp đến với nhà hàng suy giảm, Golden Gate đã chủ động áp dụng đổi mới về công nghệ trong hoạt động kinh doanh của mình để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm sản phẩm tiện ích nhất.
Thông qua việc triển khai các dịch vụ tiện ích như G-delivery, G-Hero, Kiosk cho Ipho (hỗ trợ gọi món và thanh toán bằng công nghệ),… Golden Gate giúp khách hàng có thể thưởng thức các món ăn của các thương hiệu nổi tiếng như Manwah, Kichi Kichi, GoGi House,… ngay tại nhà. Trong đó tất cả các sản phẩm đã được Golden Gate sơ chế, cấp đông và đóng gói sẵn dưới tên thương hiệu Icook.
Không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, Golden Gate còn liên tục mở rộng mạng lưới nhà hàng, quán ăn, đồ uống nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ ăn uống ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt.
Ví dụ: Năm 2023, Golden Gate đã bắt đầu phát triển thương hiệu trà Universal Tea, chuyên sản xuất và phân phối các loại trà chất lượng cao, được chọn lọc từ các vùng trồng trà nổi tiếng trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka và Đài Loan. Thương hiệu này hướng đến những đối tượng khách hàng cá nhân bao gồm người trẻ yêu trà, dân công sở tại Việt Nam cạnh tranh cùng các thương hiệu như Phúc Long, Phê La.
Chiến lược giá
Thực đơn của Golden Gate được thiết kế khá đa dạng và phong phú, đáp ứng được mọi nhu cầu về khẩu vị của khách hàng với các món lẩu, nướng, buffet,… Trong đó, chi phí món đã được Golden Gate tính toán kỹ lượng để tối ưu hóa nhất mức đầu tư và khả năng sinh lời, đồng thời có sự tương xứng với thu nhập và mức tài chính tiêu dùng của khách hàng Việt.
Hiện tại, chiến lược marketing của Golden Gate về giá đang hướng đến nhóm đối tượng là khách hàng tầm trung, với mức chi tiêu trong khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng/người/bữa. Đây được đánh giá là mức giá khá phù hợp, cạnh tranh tốt với nhiều đối thủ khác trên thị trường.
Ngoài ra, vào những dịp lễ đặc biệt, các chuỗi cửa hàng của Golden Gate cũng triển khai chính sách ưu đãi như giảm giá món ăn, giảm giá combo để tri ân khách hàng. Đây cũng là cách để thương hiệu này thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho cơ sở kinh doanh.
Chiến lược địa điểm của Golden Gate
Golden Gate tập trung khá mạnh vào chiến lược địa điểm và nhận định đây như một chiến lược marketing hiệu quả. Các nhà hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp này hầu như được đặt ở các vị trí trung tâm thành phố, các khu đô thị tập trung đông dân cư và các khu trung tâm thương mại đông đúc. Trong đó, có 60% nhà hàng của Golden Gate tập trung ở phía Nam và 40% còn lại nằm ở phía Bắc.
Từ cơ sở nhà hàng đầu tiên của Golden Gate được đặt tại Hà Nội, Golden Gate đã mở rộng thêm nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành lớn trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng và tiếp tục nhân rộng hơn ở một số tỉnh thành khác như Thái Nguyên, Hải Phòng, An Giang, Cà Mau…
Ví dụ: Nhà hàng Buffet Nhật Bản iSuShi được thiết kế với nội thất gỗ cùng tông màu chủ đạo vàng, nâu truyền thống của Nhật Bản, mang lại cảm giác ấm cúng như đang thưởng thức món ăn ngay tại xứ sở mặt trời mọc.
Đồng thời, Golden Gate cũng sử dụng các kênh phân phối trực tuyến như đặt hàng qua ứng dụng di động và dịch vụ giao hàng để tăng cường tính tiện lợi cho khách hàng.
Chiến lược xúc tiến
Hoạt động quảng cáo
Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, Golden Gate đã tận dụng cơ hội để xây dựng các kênh truyền thông cho từng chuỗi nhà hàng, từ đó tạo dựng mối quan hệ gần gũi giữa thương hiệu với khách hàng.
Hơn nữa, Golden Gate luôn chú trọng, đầu tư về mặt nội dung và hình ảnh trong từng bài quảng cáo, duy trì sự tương tác tốt với khách hàng bằng cách sử dụng những hình ảnh bắt trend. Đồng thời, thương hiệu cũng tận dụng sức ảnh hưởng của KOL, KOC trải nghiệm món ăn ngay tại nhà hàng, giúp quảng bá hình ảnh của thương hiệu rộng hơn với công chúng.
Đẩy mạnh những chiến dịch quảng cáo sáng tạo và hiệu quả để tăng cường nhận diện thương hiệu. Họ cũng đầu tư vào quan hệ công chúng và các hoạt động truyền thông để duy trì một hình ảnh tích cực với khách hàng thông qua các các kênh truyền thông.
Vào mỗi dịp Tết, thương hiệu Lẩu Đài Loan – Manwah luôn xây dựng chiến dịch truyền thông gắn liền với từ khóa “gia đình” cùng concept “Thưởng Lẩu Sum Vầy”, nhằm tôn vinh những câu chuyện và giá trị của gia đình.
- Năm 2020: Thông điệp “Gác lại bộn bề” xoay quanh câu chuyện về một gia đình truyền thống, là lời nhắn nhủ trân trọng từng khoảnh khắc yêu thương.
- Năm 2021: “Chọn nhau là gia đình” là một thông điệp đột phá, lấy lòng những khách hàng trẻ bởi sự phá bỏ định kiến về các gia đình phi truyền thống.
- Năm 2022: Câu chuyện “Tết này gặp mặt kể nhau nghe” được lan tỏa với hình thức talkshow và podcast, gợi đến một không gian để các thành viên trong gia đình tụ họp và kể chuyện cuối năm.
- Năm 2023: Thông điệp “Cảm giác gia đình” giúp công chúng hình dung về những giá trị kết nối con người và tạo nên cảm giác của một gia đình.
Sử dụng ưu đãi, khuyến mãi:
Song song với việc phát triển sản phẩm, chiến lược marketing của Golden Gate còn tập trung mạnh vào các hoạt động xúc tiến được thực hiện thông qua các chương trình khuyến mãi.
Trong đó, Golden Gate không ngừng tung ra các ưu đãi giảm sâu (đi 3 tính tiền 2, đi 4 giảm 1,…), tặng nước hoặc trực tiếp giảm giá trên hóa đơn, combo để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận hơn với thương hiệu. Những chương trình này của Golden Gate thu hút sự quan tâm của đông đảo các khách hàng, đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ, các gia đình, các công ty – doanh nghiệp,…
Thực hiện các hoạt động xã hội:
Ngoài ra, chiến lược marketing của Golden Gate còn tập trung nhiều vào các hoạt động xã hội, lan tỏa giá trị cho cộng đồng. Điển hình có thể kể đến như:
- Đồng hành cùng các diễn viên Thùy Anh, Huyền Lizzie, Anh Đào,, MC Thái Dũng,… trong chiến dịch Phở Gánh 0 Đồng – Chiến dịch bếp ăn từ thiện lưu động của Golden Gate Group kết hợp cùng Coca-Cola, với thông điệp “Mang niềm vui Phở Ấm tới mọi hoàn cảnh khó khăn”.
- Trao tặng thực phẩm tới các y bác sĩ tại bệnh viện phổi trung ương
- Hưởng ứng chiến dịch “Waste Zero – Be Hero | Người hùng KHÔNG lãng phí” đánh bay những khay thức ăn dang dở, uống sạch đồ uống ngon lành, xóa sổ ống hút nhựa, tái chế rác thải thực phẩm.
- Phối hợp với tổ chức UNESCO-CEP Việt Nam thực hiện dự án Commit Việt Nam với chủ đề “Văn hóa giao thông” nhằm góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Thông qua những chiến dịch Marketing hiệu quả đối với từng đối tượng khách hàng mục tiêu phù hợp, Golden Gate thành công mang những thương hiệu dịch vụ nhà hàng, quán ăn của mình đến gần hơn với công chúng, trở thành thương hiệu F&B dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Đây cũng chính là điều mà ít doanh nghiệp có thể làm được, minh chứng cho những nỗ lực trong suốt nhiều năm qua của thương hiệu này.
Tạm kết
Trên đây là những phân tích về các chiến lược marketing của Golden Gate và những yếu tố liên quan đến thương hiệu này. Hy vọng những thông tin hữu ích được nêu trên sẽ giúp bạn thêm hiểu hơn về thương hiệu Golden Gate, từ đó có thêm tư liệu để nghiên cứu và áp dụng những chiến lược tiếp thị phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Marketing AI