Silo được biết đến là một công cụ rất quan trọng trong quá trình tối ưu SEO cho Website. Cấu trúc silo có vai trò đặc biệt trong việc hệ thống hóa nội dung một cách logic, chuyên nghiệp, qua đó góp phần làm tăng tốc độ index và tăng cường trải nghiệm người dùng trên trang web.
Cùng HoangGH tìm hiểu chính xác về Silo là gì? và những bước để tạo nên một cấu trúc Silo đúng chuẩn SEO trong bài viết này!
Mục lục
Cấu trúc Silo là gì?
Cấu trúc silo là một kiểu kiến trúc website, trong đó người dùng tạo nhóm, cô lập và liên kết các nội dung với nhau về một chủ đề cụ thể. Việc này giúp phân hoạch nội dung ra những phần có cấu trúc rõ ràng và gọn gàng hơn.
Có thể thấy rằng mỗi silo bao gồm một trang silo chính và các nội dung liên quan, trong đó mọi thành phần đều được liên kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, nội dung giữa các silo không hề có mối liên hệ gì với nhau, tức là các nội dung được cô lập hoàn toàn bên trong những silo này.
Mỗi silo càng chứa nhiều nội dung liên quan đến chủ đề sẽ giúp tăng độ liên quan của website trong mắt google. Thật tuyệt vời nếu tất cả truy vấn của người dùng về một chủ đề nào đó mà trang bạn đều có thể bao quát được.
Vai trò của cấu trúc Silo với SEO Website
Có rất nhiều loại mô hình xây dựng nội dung, cấu trúc website. Tuy nhiên, người làm SEO sẽ quan tâm đến 2 loại cấu trúc website nhất: cấu trúc silo và cấu trúc phẳng.
Nếu bạn lựa chọn sắp xếp nội dung website theo cấu trúc phẳng thì tôi không có gì để nói. Nhưng tôi sẽ nói rõ hơn về lý do tại sao mà các chuyên gia SEO vẫn ưu tiên xây dựng website theo cấu trúc silo như vậy.
Giúp công cụ tìm kiếm thu thập thông tin và lập chỉ mục hiệu quả
Mỗi ngày, công cụ tìm kiếm huy động hàng tỉ con bot để thu thập dữ liệu và lập chỉ mục cho hàng triệu website trên thế giới. Mô hình Silo tổ chức các trang có nội dung thông tin liên quan với nhau, cùng nói về một chủ đề, và được lên kết chặt chẽ với nhau.
Googlebot sẽ di chuyển rất dễ dàng trên website và hiệu suất thu thập dữ liệu đạt hiệu suất cao nhất. Điều này giúp tăng thẩm quyền website (domain authority) đối với chủ đề mà nội dung đang nhắc tới.
Nâng cao trải nghiệm người dùng
Hãy hình dung website bạn như một cuốn sách, cấu trúc silo sẽ phân chia nội đung “cuốn sách” thành các phần riêng biệt. Mà nội dung trong các phần đó có sự liên quan về thông tin với nhau.
Điều này sẽ giúp người dùng nắm bắt được nội dung website và di chuyển đến những trang, bài viết khác một cách dễ dàng mà không cần phải quay lại truy vấn với công cụ tìm kiếm.
Phân loại cấu trúc Silo trong SEO
Có hai cách triển khai cấu trúc Silo trong Search Engine Optimization: Silo vật lý thông qua thư mục và Silo ảo thông qua liên kết.
Silo vật lý là gì?
Silo vật lý là hình thức xây dựng cấu trúc website thông qua việc thiết lập các thư mục URL như một tủ phân loại tài liệu để sắp xếp các trang có liên quan với nhau.
=> Sử dụng cấu trúc “tên domain/silopage/sub-silopage”.
Địa chỉ URL có thể cho người dùng lẫn Google bot biết trang đó viết về chủ đề gì.
Ví dụ cụ thể:
- example.com/dogs/husky.
- example.com/dogs/rhodesian-ridgeback.
- example.com/dogs/weimaraner.
Khi tạo cấu trúc silo thì ta không thể có một chủ đề trong một danh mục có hai parent, ví dụ như sau:
- example.com/android/android-chargers/
- example.com/iphone/iphone-chargers/
Silo ảo là gì?
Silo ảo sử dụng cấu trúc internal link bằng cách nhóm những trang có liên quan và tách các trang không có liên hệ. Ngược lại với cấu trúc silo vật lý – yêu cầu các trang phải được đặt trong cùng một directory – thì silo được tạo bằng các liên kết giữa những trang liên quan.
Nếu liên kết chặt chẽ những chủ đề có liên quan thì đồng nghĩa rằng ta đang hợp nhất mức độ liên quan của chủ đề với một phần nào đó trên website của mình. Đồng thời bổ sung những trang parent cấp cao và các trang children cho từng silo SEO. Như vậy là ta đã tạo ta một hệ thống phân tầng website dựa trên những mẫu liên kết của trang.
Các trang hỗ trợ phải luôn được liên kết đến landing page silo của chúng. Cần tránh các liên kết chéo giữa những silo ngoại trừ landing page silo. Ngoài ra các subpage bên trong một silo cũng không nên liên kết với subpage trong một silo khác.
Các bước tạo cấu trúc silo chuẩn SEO
Dưới đây là các bước xây dựng cấu trúc silo đạt hiệu quả SEO tốt nhất mà bạn có thể tham khảo:
Bước 1: Xác định chủ đề chính mà website hướng tới
Bước đầu tiên để xây dựng cấu trúc silo chuẩn SEO là lựa chọn nội dung cốt lõi mà website muốn thể hiện, có như vậy, bạn mới có thể định hình được trình tự sắp xếp bài viết. Nếu bạn đã có sẵn một website hoàn thiện, cần xác định được có bao nhiêu từ khóa đã lên top để biết chính xác Google đang nhận diện website của bạn ra sao. Bên cạnh đó, đội SEO cũng không nên bỏ qua mức độ và hoạt động tương tác của người dùng trên website diễn ra như thế nào.
Ngoài ra, thương hiệu cũng nên quan tâm các website đứng top đã triển khai cấu trúc silo như thế nào, chẳng hạn internal link đặt ở vị trí nào, nội dung bài viết ra sao, các thanh điều hướng, menu tối ưu có gì đặc biệt,…Qua đó, đội kỹ thuật sẽ định hướng và thiết kế website tương tự hoặc phát triển hơn các thương hiệu đã làm tốt.
Bước 2: Lựa chọn chủ đề phụ bổ trợ cho chủ đề tổng của website
Internet là mạng lưới thông tin khổng lồ được kết nối với nhau qua các liên kết, chẳng hạn website A liên kết với trang web B nhờ vào một backlink nào đó. Vì vậy, để đọc hiểu lượng lớn thông tin trên internet, các Bot Google sẽ phân loại website thành các nhóm content khác nhau và cứ thể phân rã nhỏ hơn nữa để hiểu tường tận các nội dung hiển thị trên trang web.
Ví dụ: Content về chủ đề sức khỏe làm đẹp sẽ được chia thành các chủ đề nhỏ hơn nữa như chăm sóc da mặt, trang điểm, mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng,… Nếu trang web của hạn hệ thống bài viết một cách trật tự, ngăn nắp, phân chia hợp lý thì Google dễ dàng nhận diện website, ưu tiên index và nâng cao thứ hạng tìm kiếm.
Bước 3: Thiết kế và xây dựng cấu trúc silo
Sau khi xác định chủ đề chính và các nội dung phụ trợ, bước tiếp theo là lập kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng cấu trúc silo ở từng bài viết. Các yêu cầu cần có trong bản kế hoạch này là một sơ đồ web hoàn chỉnh, thể hiện đầy đủ chủ đề chính, phụ cũng như các webpage tương ứng với từng mục đích. Chẳng hạn, web blog chỉ cần sơ đồ cho bài viết trong khi web bán hàng cần có thêm sơ đồ câu hỏi thường gặp, danh mục sản phẩm, tin tức,…
Quá trình này có thể thực hiện bằng các công cụ hỗ trợ như Google Drawing, Powerpoint, … Một bí quyết hữu ích để thiết kế mô hình Silo tối ưu là đứng trên góc nhìn, tư duy của người đọc để hình thành cấu trúc silo nhiều tầng hợp lý, hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng.
Bước 4: Xây dựng Silo vật lý
Silo vật lý được hình thành từ các danh mục và đường URL nên bạn có thể sử dụng trên nền tảng WordPress theo các bước sau:
- Xây dựng các trang danh mục (category), danh mục con (subcategory)
- Thay đổi liên kết tĩnh (permalink) trong WordPress thành “domain/category/post-name”
- Xây dựng nội dung bài viết trên website và lựa chọn hiển thị trong danh mục
Đối với các website mã nguồn đóng cũng có thể áp dụng nguyên tắc xây dựng mô hình silo vật lý như trên. Bên cạnh đó, quản trị viên cũng cần tập trung vào menu và breadcrumb để thể hiện cấp bậc và silo bài viết đang triển khai.
Bước 5: Xây dựng silo ảo
Thiết lập silo ảo nhằm củng cố thêm cho cấu trúc silo vật lý trên website bằng cách tạo ra các internal link làm thành chuỗi các bài viết liên kết với nhau theo chủ đề hoặc danh mục. Điều này sẽ giúp nội dụng cụm silo ảo được thể hiện chuyên sâu và kết nối chặt chẽ hơn với nhau.
Bước 6: Nhất quán toàn bộ nội dung
Đây là bước cuối cùng để hoàn tất quá trình xây dựng cấu trúc silo cho website. Hiện nay, Google ưu tiên đánh giá và nâng cao thứ hạng cho những website cung cấp các nội dung hữu ích, có giá trị chuyên môn cao trong các lĩnh vực. Điều đó sẽ được căn cứ vào độ chuyên sâu, uy tín của bài viết cũng như tất cả phải hướng đến một chủ đề chính. Do đó, nếu website của bạn quá lan man, không tuân thủ một định hướng nhất định thì rất dễ bị Google đánh giá thấp. Sự đồng bộ phải thể hiện ở mọi khía cạnh, gồm nội dung, chủ đề bài viết, các hình ảnh, video minh họa,…
Nhược điểm của Silo
Mặc cho những ưu điểm của cấu trúc silo, không có kỹ thuật nào là thật sự hoàn hảo cả. Vậy những nhược điểm của silo là gì? Câu trả lời đó là: cấu trúc silo chặn các liên kết nội bộ giữa những silo. Đặc điểm này tương đối khó chịu vì nó không có lợi về SEO và cũng không thật sự thân thiện với người dùng.
Lấy ví dụ, giả sử rằng ta có ba silo như hình dưới đây:
Chúng ta có 3 mục từ trái sang phải như sau: Địa điểm của các studio gym, danh sách lớp gym và danh sách giáo viên hướng dẫn. Bây giờ nếu Sarah muốn dạy ở lớp Pilates tại New York thì sao? Một cách đơn giản là tạo liên kết nội bộ từ Sarah đến Pilates và New York. Nghe thì rất hợp lý nhưng việc này sẽ phá hỏng cấu trúc silo hiện có, và nó sẽ chuyển thành một kiến trúc kim tự tháp truyền thống. Nhiều chuyên gia SEO cũng không hài lòng với đặc điểm này của silo: “về nội dung, miễn là nó có ý nghĩa về mặt ngữ cảnh, thì ta hoàn toàn có thể liên kết nội dung đến một trang khác.” – Gael Breton, đồng sáng lập Authority Hacker.
Các câu hỏi thường gặp về silo
Làm sao để xem cấu trúc silo của đối thủ?
Theo các khảo sát gần đây cho thấy 80% website không tuân thủ theo cấu trúc silo và bạn có thể kiểm tra website đó có sử dụng mô hình silo hay không có thể xem sitemap của họ. Ngoài ra, bạn có thể xác định thủ công bằng cách truy cập và lướt vài lần trên trang web đối thủ để đánh giá là họ có dùng silo hay không.
Nên sử dụng silo vật lý hay silo ảo?
Việc xây dựng cấu trúc silo vật lý không còn quá bắt buộc và cần thiết như trước đây bởi các nền tảng như WordPress cho phép tạo ra các silo page, các bài viết cấp dưới và liên kết chúng với nhau bằng internal link (silo ảo). Một mẹo nhỏ là các SEOer nên sử dụng breadcrumbs khi triển khai Silo để Google dễ dàng nhận diện và đọc hiểu website của bạn tốt hơn.
Có nên sử dụng Silo phụ (sub-Silo)?
Sub-silo là các silo phụ xếp bên dưới silo chính với vị trí hiển thị như sau: Silo>sub-Silo>post. Trong trường hợp website của bạn phát triển theo hướng đa ngành có thể sử dụng sub-Silo còn nếu chúng chỉ có một ngách hoặc siêu ngách thì không cần thiết tổ chức Silo phụ.
Cách đặt tên URL cho bài viết như thế nào?
Đối với cấu trúc silo vật lý, bạn có thể đặt tên URL theo dạng “domain.com/Silo-name/post-name”. Tuy nhiên, khi sử dụng silo ảo bằng cách đặt internal link thì bạn có thể định dạng URL theo “domain/post-name” cho tất cả các trang và bài viết trên website.
Mong rằng qua những chia sẻ về “silo là gì” của HoangGH đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cấu trúc silo và cách thức triển khai silo chuẩn SEO hiệu quả. Việc thiết kế và xây dựng mô hình silo hoàn thiện sẽ góp phần giúp các nội dung, bài viết được hệ thống hóa, website có trật tự, chuyên nghiệp hơn cũng như tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng.
Chúc bạn thành công!