Twitter đã chết – ít nhất là trên giấy tờ: Hồ sơ tòa án cho thấy công ty đã được sáp nhập vào X Corp của Elon Musk, dấy lên suy đoán về việc thu mua Twitter chỉ là “chất xúc tác” để Elon Musk tạo ra “ứng dụng mọi thứ” hay còn gọi là siêu ứng dụng.
Mặc dù không rõ sự thay đổi như vậy có ý nghĩa gì đối với Twitter, nhưng cái tên X hẳn đã quen thuộc với thế giới bên ngoài. Musk ám chỉ vào năm 2020 rằng X có thể trở thành công ty mẹ của Tesla và SpaceX do ông lãnh đạo. Tháng 4 năm ngoái, ông đã chính thức hợp thức hóa một số công ty có tên như X Holdings để mua lại Twitter. Sau khi mua lại thành công Twitter vào tháng 10 năm ngoái, Musk đã tweet, “Việc mua Twitter là chất xúc tác để xây dựng X, một ứng dụng toàn cầu”.
Twitter sáp nhập vào X Corp – công ty tư nhân mới được Elon Musk thành lập tại Mỹ vào ngày 9/3. Theo Bloomberg đưa tin, căn cứ vào hồ sơ pháp lý được nộp lên tòa án California (4/4), công ty Twitter không còn là một công ty độc lập nữa. Twitter sẽ được sáp nhập vào X corp, một công ty tư nhân mới được Elon Musk thành lập tại Mỹ.
Trong hồ sơ pháp lý nêu rõ “X Corp là công ty tư nhân, với công ty mẹ là X Holdings Corp. Không có doanh nghiệp giao dịch công khai sở hữu trên 10% cổ phần tại X Corp hoặc X Holdings Corp”
Nhiều suy đoán về việc Twitter sẽ sáp nhập vào X Corp
Trong một hồ sơ khác nộp lên Tòa án quận Nam Florida tại Miami, luật sư Joshua Webb của Twitter cũng sửa đổi tài liệu để nhấn mạnh Twitter đã sáp nhập vào X Corp và không còn tồn tại. “X Corp là công ty tư nhân, được thành lập tại Nevada với trụ sở kinh doanh ở San Francisco, California”.
Động thái này làm dấy lên nhiều suy đoán liệu vị tỷ phú dự tính làm gì với nền tảng mạng xã hội này. Bởi trước đây, Musk đã từng gợi ý mua lại Twitter sẽ giúp ông nhanh chóng tạo ra siêu ứng dụng X và được ông “ưu ái” gọi nó là “ứng dụng có tất cả mọi thứ”.
Vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới đã tuyên bố muốn làm cho X giống WeChat của Trung Quốc – siêu ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent Holdings Ltd. WeChat có đa dạng tính năng như một mạng xã hội thông thường, đồng thời có thể nhắn tin, thanh toán hay đặt vé sự kiện. Tuy nhiên chính ông cũng cảm thấy “mơ hồ” về cách mà X sẽ mang đến hiệu quả cho đế chế kinh doanh của mình.
Đầu năm ngoái, trong buổi nói chuyện với nhân viên Twitter, ông so sánh tầm nhìn của mình với WeChat. “Về cơ bản, tôi thấy WeChat thực sự rất hữu ích, nhất là trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ, nếu chúng ta đạt được điều đó hoặc thậm chí gần đạt được với Twitter, đó sẽ là một thành công lớn”, ông nói.
Siêu ứng dụng được ví như con dao đa năng của quân đội Thụy Sĩ khi tích hợp hàng loạt tính năng, tiện ích khác nhau, từ thanh toán điện tử, nhắn tin, tìm kiếm, giao nhận, đặt xe, đi chợ hộ cho đến kết bạn, tra cứu thông tin hành chính… Theo Scott Galloway, giáo sư ngành marketing tại Đại học New York, siêu ứng dụng thịnh hành tại châu Á vì kết nối di động là nền tảng kết nối Internet chính của nhiều người dân tại đây. Dù vậy, ở phương tây, ứng dụng dạng này gần như không xuất hiện. Với việc “đóng gói” tất cả tính năng trong một ứng dụng, người dùng sẽ đối mặt với phiền phức nếu chẳng may chúng gặp sự cố. Tháng 10 năm ngoái, việc KakaoTalk “sập” đã phơi bày hạn chế của siêu ứng dụng.
Elon Musk mong muốn làm cho X giống WeChat của Trung Quốc
Elon Musk thành lập X Holdings với vốn điều lệ là 2 triệu USD vào tháng 4/2022, nhằm phục vụ kế hoạch mua lại Twitter. Trong khi đó, X Corp mới được thành lập vào ngày 9/3 tại Nevada, theo hồ sơ nộp tại bang. Hồ sơ cũng cho thấy việc sáp nhập với Twitter đã được đệ trình vào ngày 15/3.
Twitter, hiện không còn đội ngũ xử lý các vấn đề truyền thông nên hiện chưa trả lời các câu hỏi do Bloomberg News gửi đến. Tuy nhiên, Elon Musk đã đăng dòng tweet với chữ “X” một cách “ngầm hiểu” và nó đã thu hút hơn 13 triệu lượt xem chỉ trong vài giờ. Tại Nhật Bản, chủ đề “Twitter Gone” bắt đầu trở thành xu hướng.
Dòng trạng thái mới đây của Elon Musk
Được biết, Musk như muốn đổi tên Twitter và hành động sơn lên biển hiệu cho thấy tỷ phú gốc Nam Phi sẵn sàng thực hiện điều “điên rồ” tiếp theo trong việc quản lý mạng xã hội. Trong tiếng Anh, “Titter” có nghĩa là “cười khúc khích”.
Trong tweet ngày 10/4, CEO Twitter cũng đăng ảnh mô tả biển hiệu với ký tự “w” sơn màu trắng, khiến người xem lướt sẽ thấy chữ “Titter”. Ông viết: “Chủ nhà cho thuê trụ sở tại San Francisco nói công ty được yêu cầu về mặt pháp lý để giữ biển hiệu Twitter, không được phép xóa ký tự “w”. Vì vậy, chúng tôi đã sơn trắng (trùng với màu nền biển hiệu) lên nó và vấn đề được giải quyết”.
Theo một số bức ảnh được người dùng đăng lên Twitter, kế hoạch đổi thành “Titter” của Musk đã được thực hiện trong vài ngày. Từ 6/4, lập trình viên William LeGate đã tweet một bức ảnh về tấm biển có ký tự “w” bị dán lại.
Theo Insider, bất đồng về biển hiệu Twitter là vấn đề mới nhất giữa Musk và SRI Nine Market Square. Vào tháng 1, Twitter bị chủ tòa nhà kiện với lý do không trả khoản tiền 3,4 triệu USD/tháng vào tháng 12/2022 và tháng 1 năm nay.
Tổng hợp