Cuộc sống hiện đại, hối hả khiến con người cuốn theo nhiều giá trị mà ở đó, họ không tìm thấy được sự cân bằng của cuộc sống. Thậm chí, nhiều người không biết đâu là đích đến, là giá trị của bản thân mình trong gia đình và xã hội. Có một công cụ sẽ giúp bạn định hình lại những giá trị xung quanh bạn, giúp bạn tiến lên và cân bằng hơn trong cuộc sống. Đó là bánh xe cuộc đời.
Vậy bánh xe cuộc đời là gì? Làm thế nào để xác định được bản thân mình đang trong tình trạng như thế nào trong bánh xe đó? Cùng HoangGH tìm hiểu rõ hơn ngay trong bài viết sau đây.
Mục lục
Bánh xe cuộc đời là gì?
Bánh xe cuộc đời – Wheel of life là biểu đồ hình tròn, chia thành 6 – 8 phần bằng nhau, mỗi phần thể hiện một khía cạnh trong cuộc đời như sự nghiệp, sức khỏe, gia đình, các mối quan hệ, giải trí, tài chính… Dựa vào bánh xe cuộc đời, mỗi người có thể tự đánh giá, khám phá bản thân và lập kế hoạch cuộc sống cho chính mình.
Khi xây dựng bánh xe cuộc đời của riêng mình, bạn sẽ đánh giá các khía cạnh, tương ứng với mỗi phần bánh xe theo thang điểm từ 1 đến 10. Số điểm này đại diện cho mức độ hài lòng của bạn về khía cạnh đó ở thời điểm hiện tại.
Kết quả đánh giá giúp bạn có cái nhìn tổng quát về cuộc sống ở hiện tại. Khía cạnh nào bạn đã thực hiện tốt, khía cạnh nào bạn chưa hài lòng, cần phải cải thiện. Từ đó, bạn biết cách điều chỉnh để cân bằng các giá trị cuộc sống bạn hướng tới.
Tầm quan trọng của bánh xe cuộc đời với cá nhân
Bánh xe cuộc đời được xây dựng trên nền tảng cơ sở chung, các vấn đề mà mỗi cá nhân đang phải đối mặt. Trong cuộc sống hiện đại, bánh xe cuộc đời càng khẳng định tầm quan trọng với mỗi cá nhân:
- Bánh xe cuộc đời giúp mỗi người nhìn nhận một cách tổng quan về cuộc sống hiện tại. Thông tin trên bánh xe mô tả những gì chúng ta đang làm tốt và làm chưa tốt hay những vấn đề rắc rối gây phiền nhiễu.
- Bánh xe cuộc đời xây dựng dựa trên các yếu tố quan trọng và thứ yếu tạo nên cuộc sống của mỗi người. Việc sử dụng bánh xe cuộc đời sẽ giúp bạn xác định được đâu là thứ quan trọng nhất và tập trung làm tốt cho điều đó. Không sử dụng bánh xe cuộc đời để định hướng, bạn sẽ dễ bị sao nhãng, cuốn theo công việc và guồng quay bởi nhiều yếu tố khác.
Bánh xe cuộc đời giúp mỗi người điều chỉnh, cân bằng lại cuộc sống để thoát khỏi những rắc rối, phát triển một cách toàn diện. Với những lát cắt mình còn làm chưa tốt, bạn thấy mình cần cải thiện như thế nào? Phân chia thời gian, tâm sức để thực hiện.
8 khía cạnh trọng yếu của một bánh xe cuộc đời
Tùy theo sự phân loại và nhu cầu của mỗi cá nhân, mẫu bánh xe cuộc đời của mỗi người là khác nhau. Dưới đây là 8 phần phổ biến được thiết lập trong một bánh xe cuộc đời:
1. Sức khỏe
Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần và không đơn thuần chỉ bao gồm có tình trạng không có ốm đau bệnh tật. Đây là tài sản quý giá trong cuộc sống của con người. Vì khi có Sức Khoẻ ta có ngàn ước mơ, khi không có sức khoẻ, ta chỉ có một ước mơ là khỏe mạnh.
Vậy thì bạn hãy tự đánh giá sức khoẻ hiện tại của mình như thế nào? Bạn có tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống hợp lý, hoặc bạn có đi khám sức khỏe định kỳ? Hay bạn vẫn chủ quan để rồi khi còn trẻ bạn bán sức khỏe của mình lấy tiền, khi về già bạn mua sức khỏe bằng tiền?
2. Phát triển bản thân
Xã hội luôn phát triển không ngừng, nếu bạn dậm chân tại chỗ, đồng nghĩa với việc với việc bạn đang thụt lùi. Vì vậy bạn cần phải hành động ngay, phát triển bản thân toàn diện cả về kiến thức (knowledge), thái độ (attitude), kỹ năng (skill) như một quá trình liên tục và mãi mãi.
Nói một cách dễ hiểu việc phát triển bản thân là các hoạt động nâng cao giá trị bản thân, tạo nền tảng vững chắc để chinh phục những mục tiêu cuộc sống. Các hoạt động này có thể là đọc sách để nâng cao hiểu biết, tham gia các khóa đào tạo hay tự nghiên cứu, tự học một kỹ năng, kiến thức mà bạn cần. Hoặc đơn giản như khi bạn tìm hiểu về bánh xe cuộc đời cũng là một hoạt động phát triển bản thân.
3. Các mối quan hệ
Mối quan hệ được hiểu là sự tác động qua lại giữa hai (hoặc nhiều hơn hai) đối tượng hoặc hai (hoặc nhiều hơn hai) nhóm đối tượng có liên quan với nhau. Con người không thể sống tách biệt với tập thể. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự tương tác, gắn kết và thương yêu lẫn nhau. Đó chính là mong muốn bẩm sinh, là bản chất của cuộc sống. Mối quan hệ với chính mình, với bạn bè và gia đình đều có ý nghĩa to lớn đến mọi khía cạnh trong sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ hơn.
4. Tài chính
Quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ là cơ sở để bạn đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc sống như: sinh hoạt, mối quan hệ, học vấn, sự nghiệp… Và có thể đến ngưỡng “tự do tài chính”.
5. Sự nghiệp
“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Nghĩa là bạn tạo cho bản thân mục tiêu, kế hoạch cụ thể và tận lực theo đuổi mục tiêu của mình. Khi gieo cho mình những hạt giống tốt, những hạt giống chắc chắn sẽ nở hoa đẹp.
Sự nghiệp có lẽ là lát cắt được nhiều người quan tâm nhất trong “Bánh xe cuộc đời”. Với nhiều người, thành công trong công việc chính là đạt được những gì họ mong muốn. Muốn làm ông chủ thì trước hết phải làm nhân viên, muốn thành công thì phải trải qua những khó khăn, vất vả và không ngừng học hỏi. Bạn không nên đợi đến khi có một công việc có thu nhập cao, chức vụ quan trọng… thì mới hài lòng, còn khi chưa đạt đến đó thì lại lo lắng. Vậy nên hãy lập cho mình một lộ trình phát triển sự nghiệp, và đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để thực hiện hóa nó.
“Hạnh phúc là trên cả chặng đường đi, chứ hạnh phúc không chỉ là đích đến!”
6. Giải trí
Giải trí là những hoạt động thường xuyên hoặc theo thói quen giúp mang lại niềm vui, sự phấn khởi trong khoảng thời gian thư giãn.
Tự do làm những gì mình thích như đi du lịch, khám phá thế giới, đọc sách, ăn uống, chơi thể thao,… một cách thường xuyên. Khi được làm những gì bản thân yêu thích, thì đó đã là một niềm hạnh phúc phải không nào? Người càng có nhiều sở thích sẽ có một cuộc sống thú vị hơn. Đến khi những sở thích trở thành đam mê, nó sẽ khiến bạn sống vì nó, hành động vì nó một cách mạnh mẽ và nhiệt huyết nhất.
7. Chia sẻ
Chia sẻ là việc bạn tạo ra các giá trị có ích cho cộng đồng chẳng hạn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, làm từ thiện, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống người dân có ích cho xã hội.
Cuộc sống là để cho đi, để thể hiện tình yêu thương với mọi người, để cảm thấy bình yên trong cuộc sống. Khi bạn mang lại niềm vui cho người khác, bản thân bạn sẽ thấy ấm áp hơn. Đó là nhu cầu tự thân và tự nhiên trong mỗi chúng ta, không cần lý do hay mục đích gì cả.
8. Tâm linh
Mỗi người trên thế giới theo một tôn giáo khác nhau, hoặc có những người không theo một tôn giáo nào; nhưng đối với họ, luôn tồn tại một thế giới tâm linh, luôn có một thế giới cao cả hơn. Tìm về thế giới tâm linh, tìm về tôn giáo là một hoạt động tích cực giúp con người có niềm tin, có thể giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống và giúp con người hướng thiện. Ngay cả khi bạn không tin vào sức mạnh siêu nhiên, bạn cũng nên tìm cho mình một đấng ơn trên để bạn có thể nói như vậy khi gặp những điều quan trọng, như “Ôi Chúa ơi!”
Cách xây dựng bánh xe cuộc đời
Việc xây dựng bánh xe cuộc đời rất đơn giản, bạn chỉ cần xác định các khía cạnh quan trọng, đánh giá từng khía cạnh đó theo thang điểm 1 – 10 và tìm giải pháp cho vấn đề trong cuộc sống. Đơn giản vậy nhưng nếu bạn vẽ vội vã, trình tự rối loạn sẽ không mang lại hiệu quả cao nhất. Có 5 bước xây dựng bánh xe này như sau:
Bước 1: Xác định các khía cạnh trong bánh xe cuộc đời
Trước tiên, bạn cần chọn một nơi yên tĩnh, không có các yếu tố làm xao nhãng để đảm bảo sự tập trung cao nhất. Sau đó, bạn hãy suy nghĩ, xác định 6 – 8 khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời. Cuối cùng vẽ hình ảnh bánh xe cuộc đời, chia thành 6 – 8 phần bằng nhau, tương ứng với các khía cạnh đó.
Bước 2: Đánh giá các khía cạnh trong cuộc sống
Bạn tự đánh giá mức độ hài lòng của bản thân với từng khía cạnh trên bánh xe theo thang điểm từ 1 – 10. Bạn cần xem xét kỹ lưỡng, phân tích và đánh giá từng vấn đề để đưa ra số điểm chính xác nhất. Có thể áp dụng một số câu hỏi sau để đánh giá các khía cạnh cuộc sống:
- Về sự nghiệp: Bạn có đang làm công việc bạn mong muốn hay không? Bạn có yêu thích công việc mình đang làm không? Công việc có mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bạn không? Công việc có mang lại thu nhập đủ để bạn trang trải cuộc sống không? Bạn có muốn thay đổi công việc khác không?
- Về tài chính: Đối với bạn, tiền là gì? Thu nhập của bạn có đủ trang trải cuộc sống không? Bạn có tiền tiết kiệm không? Bạn có khoản nợ nào không? Tiền có mang lại hạnh phúc cho bạn không?
- Về sức khỏe: Bạn có đang gặp vấn đề sức khỏe không? Bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn có hài lòng với ngoại hình và cân nặng của bản thân không? Bạn có luyện tập thể dục thể thao không? Mức độ tập luyện như thế nào? Bạn có khám sức khỏe định kỳ không?
- Mối quan hệ: Bạn có những mối quan hệ nào? Tình trạng các mối quan hệ của bạn thế nào? Bạn dành bao nhiêu thời gian cho các mối quan hệ đó?
- Phát triển bản thân: Bạn có kỹ năng nào cần cải thiện không? Bạn muốn học thêm kỹ năng nào? Bạn có đang học thêm các kỹ năng/kiến thức mới không? Bạn học như thế nào? Bạn dành bao nhiêu thời gian học mỗi ngày?
- Giải trí: Bạn thường làm gì để giải trí? Bạn yêu thích hoạt động giải trí nào? Bạn đi du lịch bao nhiêu lần trong năm? Bạn sử dụng thời gian rảnh như thế nào?
- Chia sẻ: Bạn có hoạt động tình nguyện không? Bạn đang hoạt động tình nguyện trong tổ chức nào? Bạn có trích thu nhập hàng tháng để làm từ thiện không?
- Tâm linh: Bạn có theo tôn giáo không? Bạn có tin vào tâm linh không? Bạn có tìm đến tâm linh khi cảm thấy mệt mỏi, khó khăn không? Bạn có đang tận hưởng cuộc sống ở hiện tại không?
Bước 3. Tạo bánh xe cuộc đời
Bạn chia đường phân chia các phần trong bánh xe thành 10 đoạn nhỏ bằng nhau, tương ứng từ 1 – 10 điểm. Số điểm tăng dần từ trong ra ngoài. Sau đó, bạn đánh dấu số điểm theo kết quả đánh giá bước 2 và nối các điểm với nhau. Khi đã hoàn thành, bạn nhìn nhận lại bánh xe cuộc đời theo các hướng sau:
- Số điểm từ 8 – 10: Bạn đang hài lòng với khía cạnh này, cần duy trì và phát triển hơn trong tương lai.
- Số điểm từ 5 – 7: Bạn khá hài lòng với khía cạnh này nhưng vẫn còn những điểm chưa tốt, cần cải thiện thêm trong tương lai.
- Số điểm từ 1 – 4: Bạn không hài lòng về khía cạnh này, cần tìm cách thay đổi để cải thiện hơn.
Đối với những khía cạnh được điểm thấp, bạn nên trả lời một số câu hỏi sau:
- Tại sao bạn cho điểm thấp như vậy?
- Cần như thế nào mới đạt điểm cao?
- Bạn muốn đạt được điều gì ở khía cạnh này trong ngắn hạn và dài hạn?
- Cần làm những gì để hoàn thành mục tiêu?
Bước 4: Thiết lập mục tiêu theo bánh xe cuộc đời
Dựa vào kết quả đánh giá ở những bước trên, bạn sắp xếp thứ tự quan trọng của các khía cạnh trong cuộc đời bạn. Bạn biết cái nào nên ưu tiên, cái nào có thể thực hiện sau. Từ đây, bạn hãy hình dung về cuộc sống mong muốn và lên kế hoạch đạt được mục tiêu này theo từng ngày, tháng, năm. Kế hoạch càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt.
Bước 5. Đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu cuộc đời
Sau mỗi tháng, bạn nên vẽ lại bánh xe cuộc đời định kỳ để theo dõi quá trình thực hiện mục tiêu đặt ra. Việc vẽ lại giúp bạn kiểm tra xem kế hoạch đã đi đúng hướng chưa, cần điều chỉnh điều gì và bổ sung thêm biện pháp đạt được mục tiêu nhanh hơn.
Ứng dụng bánh xe cuộc đời trong cuộc sống
Ứng dụng bánh xe cuộc đời vào cuộc sống giúp bạn kiểm soát cuộc sống của mình, mang lại bình an và hạnh phúc. Bạn có thể tham khảo một số ứng dụng như sau:
- Về sức khỏe: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn hằng ngày, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế đồ uống có cồn, tập thiền hàng ngày…
- Về tài chính: Xây dựng thói quen ghi chép và quản lý chi tiêu hàng tháng, lên kế hoạch chi tiêu hiệu quả, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, tìm cách tăng thu nhập, học thêm kiến thức về tài chính…
- Về sự nghiệp: Tìm ra điểm mạnh và điểm yếu trong năng lực của bản thân, lên kế hoạch cải thiện các điểm yếu và duy trì điểm mạnh, tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng mềm, đọc sách để trau dồi kiến thức…
Với những giá trị thiết thực trong bài viết, HoangGH hy vọng bạn đã hiểu cách thức vận dụng công cụ bánh xe cuộc đời vào cuộc sống hiện tại, hướng đến mục tiêu và giá trị trong tương lai. Cùng theo dõi HoangGH để đọc nhiều bài viết bổ ích hơn nữa nhé.